Cà phê vợt là gì? Các quán cà phê vợt nổi tiếng lâu đời ở Sài Gòn

Bên cạnh hai cách pha cà phê phổ biến như pha phin hay pha máy, người Sài Gòn còn có “Cà phê vợt”. Cách uống cà phê độc đáo này được người Hoa đưa vào Sài Gòn những năm 1950 và nhanh chóng trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người dân Sài Thành. Mặc dù đã xuất hiện hơn nửa thế kỷ, cà phê vợt vẫn là thức uống ưa chuộng vào mỗi sáng, không hề lỗi thời, thậm chí không chỉ được lòng người lớn tuổi mà những người trẻ cũng bắt đầu tìm hiểu về thức uống sáng tạo này.

Cà phê vợt
Cà phê vợt

>> Khám phá ngay cách pha cà phê muối chuẩn sứ Huế

Cà phê vợt là gì?

Cà phê vợt còn được gọi là cà phê kho hay cà phê bít tất, đây không chỉ là thức uống thông thường mà còn được xem là một văn hóa giao thoa giữa người Việt và người Hoa từ xưa. Trước đây, cà phê phin được xem là thức uống chỉ dành cho những người ở tầng lớp trung lưu, còn cà phê vợt sẽ thích hợp cho những người dân lao động chân tay bình dị hơn. Bên ly cà phê vợt, họ như tìm thấy sự thư giãn trong chốc lát rồi quay lại với cuộc sống tất bật thường ngày. Bên cạnh đó, thức uống dân dã này còn theo chân người dân đến từng con hẻm, góc phố từ ngày xưa.

Thực chất cái tên cà phê vợt bắt nguồn từ cách pha sử dụng một chiếc vợt to từ vải mịn, dài và khít để chiết xuất cà phê. Sau hai lần lọc, nước cà phê thành phẩm sẽ được bảo quản trong một cái ấm đất. Đặc biệt, với cách pha này, cà phê có hương vị thơm đậm đà, vừa có hậu vị ngọt vừa pha chút vị béo rất đặc trưng mà ai từng thưởng thức qua rồi sẽ rất khó quên.

Ngày nay, tuy đã có rất nhiều loại cà phê hiện đại được du nhập vào Việt Nam, cà phê vợt vẫn là một trong những biểu tượng cà phê của người Sài Thành qua bao năm tháng. Tuy không xuất hiện trên những con phố đông đúc, các quán chỉ nép mình trong những con hẻm nhỏ, nhưng đối với những bạn trẻ đang tìm hiểu về cà phê thì thức uống này luôn có một sức hút kì lạ, như một cách quay về những kỉ niệm xưa cũ, đặc trưng cho bầu không khí của những năm 90 giữa những sầm uất của nhịp sống hiện đại.

Cà phê vợt được người Hoa mang đến Sài Gòn vào năm 1950
Cà phê vợt được người Hoa mang đến Sài Gòn vào năm 1950

Cách pha cà phê vợt ngon đúng vị người Sài Gòn xưa.

Tuy là thức cà phê dân dã, mộc mạc, song thức uống này không phải ai cũng biết cách pha đúng cách nhất. Nhiều người mặc dù đã tìm hiểu và thưởng thức cà phê vợt rất nhiều lần, nhưng chưa chắc đã pha được ly cà phê vớt đúng chuẩn về cách pha và hương vị.

Nguyên vật liệu cần có:

  • Bột cà phê nguyên chất xay mịn
  • Vợt vải lọc
  • Bếp củi hoặc bếp than ( chọn loại to có thể để được 1 nồi nước và 3 ấm đất)
  • 3 Ấm đất
  • Nước sôi
  • Đường
  • Ly / tách, muỗng khuấy.

Lưu ý: Để cà phê vợt đạt được hương vị chuẩn nhất, bạn không nên thay thế ấm đất bằng bất kì dụng cụ nào. Đây là cách tốt nhất để giữ được mùi vị của cà phê.

Cách pha cà phê vợt:

  • Bước 1: Nấu một nồi nước sôi trên bếp củi hoặc bếp than, nhiệt độ lý tưởng để pha cà phê ngon là từ 80-90 độ C, kiểm tra và đảm bảo nhiệt độ nước sôi luôn ở mức này để quá trình chiết xuất cà phê được tốt hơn. Sau đó, đặt 3 ấm đất kế bên nồi để các ấm luôn được giữ ấm.
  • Bước 2: Cho bột cà phê xay mịn vào vợt với lượng vừa đủ. Lưu ý: Vợt dùng để pha phải thật khô, không bị ẩm, để đảm bảo vệ sinh, đồng thời giữ nguyên chất lượng cho cà phê.
  • Bước 3: Quá trình chiết xuất lần 1: Bạn đặt vợt đựng cà phê vào ấm đất, đổ nước sôi từ nồi kế bên vào. Sau đó, dùng muỗng khuấy đều ở dưới đáy vợt để bột cà phê không bị lắng đọng. Giữ nguyên vợt trong ấm từ 3-5 phút và chờ chiết xuất, sau đó rót nước cà phê ra một cái âu nhỏ.
  • Bước 4: Quá trình chiết xuất lần 2: Cho vợt cà phê vào ấm đất thứ 2, dùng nước cà phê đã chiết xuất ở lần 1 vào, và yên trong khoảng 5-7 phút. Bạn nên cẩn thận ở bước này, đây là bước quan trọng tạo nên vị đậm đà  sau pha chế.
  • Bước 5: Cuối cùng, cho nước cà phê thành phẩm vào ly hay tách rồi thêm đường, hay muối vào tùy theo sở thích.
Cách pha cà phê vợt đúng cách
Cách pha cà phê vợt đúng cách

Top 4 quán cà phê vợt nổi tiếng với thâm niên lâu năm ở Sài Gòn.

Cheo Leo Cafe.

Đây là quán cà phê vợt lâu đời nhất tại Sài Gòn, với thâm niên đã hơn 80 năm, được nhiều khách hàng chọn là địa điểm thưởng thức cà phê vợt hàng đầu bởi hương vị chuẩn nhất và vị trí thuận tiện đi lại. Đây là quán cà phê kinh doanh theo dạng hộ gia đình, những thành viên trong gia đình truyền nhau để gìn giữ hương vị của thức uống này.

Mặc dù diện tích khá nhỏ, chỉ có thể kê 4-5 bộ bàn ghế nhỏ, nhưng quán lúc nào cũng đông khách. Đến quán, thực khách nhất định phải thử bạc xỉu đá được đun bằng cách ấm đất, hương vị đậm đà truyền thống. Đặc biệt, tuy cách pha cầu kỳ nhưng giá ở đây rất bình dân, một ly cà phê chỉ dao động từ 8.000-15.000 vnđ.

Địa chỉ: 109-36 Nguyễn Thiện Thuật, Phường 2, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Cheo Leo cà phê
Cheo Leo cà phê

Cà phê Ba Lù.

Quán cà phê nằm ngay khu chợ Thủ Đô của người Hoa, cũng có tuổi đời trên 80 năm. Ở đây, tất cả các công đoạn pha chế đều được làm thủ công hoàn toàn. Nếu đến đúng thời điểm, bạn có thể tận mắt chứng kiến quá trình thủ công từ rang đến xay hạt, sau đó pha chế thành phẩm phục vụ các thực khách. Ngoài ra, trong quá trình rang, người Hoa có thói quen cho thêm bơ, rượu để tạo nên mùi thơm đặc trưng. Đây cũng được xem là điều khác biệt trong hương vị của cà phê vợt Ba Lù.

Vì nằm trong khu chợ đông đúc nên quán mở rất sớm, thậm chí trước cả phiên họp chợ là 2 giờ sáng và tan chợ là 17 giờ hàng ngày. Dù mặt bằng diện tích khá nhỏ, xung quanh là các hàng quán ồn ào, nhưng cũng không cản được thực khách tò mò tìm đến để thưởng thức ly cà phê vợt đặc trưng. Giá ở đây cũng rất bình dân, chỉ 15.000 đồng cho một ly cà phê. Lượng khách nơi đây vẫn duy trì đông đúc nhờ vào chất lượng ly cà phê hảo hạng giữ nguyên hương vị suốt bao năm qua.

Địa chỉ: 193 Phùng Hưng, Phường 14, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh.

cà phê vợt Ba Lù
cà phê vợt Ba Lù

Cà phê vợt nằm trong hẻm 330 Phan Đình Phùng.

Với thâm niên hơn 60 năm, quán cà phê vợt do bà Phạm Ngọc Tuyệt và ông Đặng Trần Con mở bên lề đường con hẻm 330 Phan Đình Phùng luôn là điểm đến của nhiều người dân Sài Gòn yêu thích bản vị cà phê vợt. Hương vị thơm ngon của thức uống nơi đây luôn được người sành cà phê yêu thích, sẵn sàng ngồi dọc hai bên lề hẻm chỉ để thưởng thức cà phê. Dễ dàng bắt gặp hàng dài những người ngồi chờ đợi uống cà phê vào mỗi sáng sớm hay cuối tuần, thậm chí có người đi từ hàng cây số chỉ để mua cà phê về cho gia đình.

Cà phê ở đây được đựng trong 2 ấm nhỏ, một ấm đựng cà phê để nguội, dùng cho những người thích uống cà phê với đá. Loại còn lại sẽ được để trên bếp than để giữ ấm, dành cho những người ưa uống cà phê nóng. Không chỉ có cà phê đen, ở đây còn phục vụ sữa nóng, sữa đá, cà phê vị đắng, bạc xỉu…với mức giá rất bình dân, chỉ từ 10-14 ngày cho một ly cà phê chất lượng.

Địa chỉ: 330 Phan Đình Phùng, Phường 1, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.

Cà phê vợt 330 Phan Đình Phùng
Cà phê vợt 330 Phan Đình Phùng

Quán nằm trong hẻm 313, Quận 11.

Một quán cà phê vợt khác cũng đặc sắc không kém là quán của ông Lưu Nhân Thanh, đây là địa điểm thu hút thực khách không chỉ bởi hương vị cà phê mà còn ở nét cũ kĩ đặc trưng hơn nửa thế kỉ, nhiều khách lạ thấy tò mò, rồi trở thành khách quen không biết từ bao giờ. Đối tượng khách hàng chủ yếu là những vị trung và cao tuổi. Họ thưởng thức theo thói quen, tìm lại những hương vị gần như bị mất hút bởi lối sống hiện đại.

Theo ông Thanh, để hương vị cà phê đúng chuẩn nhất, ông sử dụng ấm đất – loại chuyên dụng hay dùng để nấu thuốc bắc để pha cà phê. Ông còn chia sẻ rằng, không bao giờ giặt vớt cà phê, vì dễ làm mất đi mùi thơm đặc trưng, vợt càng đen hương vị cà phê càng đậm. Có lẽ vì thế, khi nhâm nhi ly cà phê ở quán ông, người ta sẽ cảm nhận được mùi thơm, đậm đà, tan chảy từ đầu lưỡi đến họng. Giá cà phê ở đây rẻ đến bất ngờ, chỉ 5.000 đồng cho cà phê đen và 6.000 đồng cho cà phê sữa.

Địa chỉ: 480 Tân Phước, Phường 6, Quận 11, TP. Hồ Chí Minh.

Cà phê vợt 313 quận 11
Cà phê vợt 313 quận 11

Cà phê vợt được xem như một văn hóa đặc trưng của người Sài Thành qua những năm tháng dài của lịch sử. Mặc dù, hiện tại có nhiều quán cà phê hiện đại mọc lên như nấm, cà phê vợt vẫn tồn tại như một người đồng hành cùng Sài Gòn qua bao thăng trầm. Nếu có cơ hội, bạn hãy thưởng thức hương vị đặc trưng của một cà phê đại diện cho những miền ký ức cũ xa xưa, đảm bảo bạn sẽ không thất vọng.

Bạn có thể quan tâm:

About admin

Check Also

cách pha cafe sữa ngon cách pha cà phê sữa đá sữa pha cà phê cà phê sữa đá

Cà Phê Sữa Đá – Cách Pha Và Những Bật Mí Thú Vị

Cà phê sữa đá Việt Nam phổ biến ở Việt Nam và được xem là …